Hiện nay, điện thoại là một vật dụng không thể tách rời của mỗi cá nhân, dù đi đâu, làm gì cũng phải có điện thoại bên cạnh. Điều này không có gì đáng nói nếu bạn chưa có gia đình. Tuy nhiên, nếu bạn đã trở thành phụ huynh, hãy dành thời gian cho con cái thay vì làm dụng điện thoại quá nhiều. Nhiều bậc phụ huynh dù ở bên cạnh con mình nhưng vẫn hy sinh thời gian quý báu để chìm đắm vào chiếc điện thoại có kết nối mạng. Đừng để điện thoại kiểm soát cuộc sống của bạn. Dưới đây là những lý do bạn giúp bạn nhận thấy hậu quả nghiêm trọng nếu không dừng ngay hành động này lại và hãy bắt đầu quan tâm tới con mình nhiều hơn.
1. Trẻ bị chậm phát triển về mặt xã hội
Nếu phụ huynh không quan tâm tới con cái, ít dành thời gian cho trẻ, điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến nhận thức và tư duy của trẻ về xã hội bên ngoài. Các nhà nghiên cứu từ Đại học California (Mỹ) cho rằng, nếu cha mẹ lơ là con cái, trẻ rất dễ bị rối loạn cảm xúc, hành động chậm chạp, sợ thế giới bên ngoài, nặng hơn có thể dẫn đến trầm cảm và những hành động gây nguy hiểm đến trẻ.
2. Trở nên xa cách với bố mẹ
Tình cảm giữa phụ huynh với con cái là liều thuốc tinh thần giúp hình thành tâm lý của trẻ, đặc biệt là các trẻ ở lứa tuổi nhỏ. Lúc này cả thế giới của trẻ chỉ có bố và mẹ, là hình mẫu để trẻ noi theo và học hỏi. Nếu lúc này phụ huynh lại dành nhiều thời gian để sử dụng điện thoại thay vì nói chuyện, chơi đùa với trẻ, điều này dễ dẫn đến sự xa cách, lâu dần trẻ không còn thấy vui vẻ khi được bố mẹ quan tâm như ban đầu. Ngay cả khi phụ huynh đã sẵn sàng để chơi cùng trẻ cũng không khiến chúng nhiệt tình như trước.
3. Trẻ dễ cấu giận và cư xử sai lệch
Nhiều phụ huynh thường cấm con mình sử dụng điện thoại nhưng lại vô cùng dễ dãi với bản thân mình, đáng trách hơn là sử dụng ngay trước mặt các con. Điều này khiến trẻ có suy nghĩ tiêu cực, bố mẹ chọn điện thoại thay vì chọn chúng, khiến chúng cảm thấy bố mẹ không thương mình, dễ dẫn đến các hành vi không đúng đắn. Trong một số trường hợp cực đoan, trẻ còn thể hiện sự hung hăng như cố tình làm mình bị thương để gây sự chú ý với bố mẹ. Vì thế, bố mẹ hãy sống có trách nhiệm, đừng vì quá nương chiều bản thân mà làm ảnh hưởng đến tâm sinh lý của con em mình.
4. Bắt chước những hành động không tốt của bố mẹ
Bố mẹ là tấm gương để con noi theo, nếu bố mẹ cư xử không tốt sẽ khiến con mình học theo. Thực tế, có rất nhiều phụ huynh sử dụng điện thoại ngay trên bàn ăn, để mặt cho con mình muốn làm gì làm, thậm chí một số người còn rút điện thoại ra ngay khi vừa ngồi vào bàn. Điều này đã làm hạn chế đi cơ hội tương tác của trẻ với bố mẹ. Dần dần trẻ trở nên khép kín, không muốn giao tiếp với xã hội, không biết cách bày tỏ tình yêu thương cũng như cách thể hiện sự quan tâm đến người xung quanh.
5. Bị tổn thương vì phải tranh giành sự chú ý
Việc bố mẹ dành nhiều thời gian cho điện thoại rất dễ khiến trẻ cảm thấy không đủ quan trọng, không được bố mẹ yêu thương. Dần dần sẽ làm trẻ hình thành tính ganh tị, tranh giành. Trẻ cần phải tự tin, lạc quan thì mới tốt cho quá trình phát triển cảm xúc. Khi đã cảm nhận được sự yêu thương của bố mẹ, trẻ mới thấy được giá trị của bản thân, trở nên thả lỏng và không còn gồng mình chứng minh giá trị của mình đối với bố mẹ.
Trẻ em là tờ giấy trắng, thời gian thơ ấu là khoảng thời gian quan trọng giúp trẻ hình thành nhân cách. Khi cảm nhận được tình yêu thương và quan tâm của bố mẹ, trẻ mới có thể phát triển tốt về mọi mặt. Việc sử dụng điện thoại thường xuyên là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên, khi đã về nhà, hãy cất điện thoại và dành thời gian hữu ích cho con.